
– Chứng nhận Quản lý rừng: FSC-FM (FSC Forest Management), chứng nhận cho doanh nghiệp trồng rừng (chủ rừng) và khu rừng. Với chứng nhận này, các doanh nghiệp đó có nguyên liệu chứng nhận FSC cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại có chứng nhận FSC-CoC để sản xuất và thương mại các loại nguyên liệu và sản phẩm FSC.
– Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm: FSC-CoC (FSC Chain of Custody), chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại có sử dụng nguyên liệu gỗ (tài nguyên rừng). Với chứng nhận này các doanh nghiệp có thể sản xuất và thương mại các loại nguyên liệu và sản phẩm FSC.
– Chứng nhận Gỗ có kiểm soát: FSC-CW (FSC Controlled Wood), chứng nhận cho (nguồn gốc) nguyên liệu gỗ được gọi là gỗ có kiểm soát FSC. Gỗ này theo sự kiểm soát của FSC có ràng buộc các yêu cầu cao hơn gỗ hợp pháp ở mỗi quốc gia nhưng chưa đạt đến điều kiện của gỗ chứng nhận FSC. Gỗ này trộn với gỗ FSC để có sản phẩm pha trộn FSC hay sản xuất các sản phẩm gỗ có kiểm soát FSC.

Hiện nay, các doanh nghiệp/công ty sản xuất và thương mại xuất khẩu sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã khá quen thuộc với chứng nhận FSC. Với những chứng nhận FSC-CoC đầu tiên từ năm 1999 cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng gỗ ngoài trời (outdoor furniture) tập trung ở Qui Nhơn – Bình Định xuất sang châu Âu, thì hiện nay tại Việt Nam có 513 doanh nghiệp với 672 địa điểm sản xuất và thương mại được chứng nhận FSC-CoC trong đó có 136 doanh nghiệp với 194 địa điểm sản xuất và thương mại có chứng nhận FSC-CW cho nhiều lỉnh vực sản phẩm gồm đồ gỗ tinh chế (hàng gỗ nội, ngoại thất), ván sàn, ván ghép, MDF, Verneer, bao bì, nguyên liệu giấy (dăm gỗ, bột gỗ,…), giấy, sản phẩm in ấn (từ gỗ, giấy),…. Đối với các công ty trồng rừng và khu rừng được chứng nhận FSC-FM thì còn khá ít, tổng số chứng nhận FSC-FM tại Việt Nam là 22 doanh nghiệp chứng nhận với 39 đơn vị quản lý khu vực rừng có tổng diện tích chứng nhận là 182.087 ha, chủ yếu là rừng trồng phục vụ cho sản xuất (trích nguồn www.info.fsc.org, tháng 10/2016).
CÁC DOANH NGHIỆP ÁP DỤNG CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC CHỨNG NHẬN FSC-CW BẰNG 2 CÁCH:
Cách 1: Áp dụng tiêu chuẩn FSC-STD 30-010, cho các doanh nghiệp trồng rừng (chủ rừng) và khu rừng muốn có gỗ có chứng nhận FSC-CW.
Cách 2: Áp dụng tiêu chuẩn FSC-STD 40-005, cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại bằng cách thực hiện chương trình thẩm định nguồn gỗ mua đầu vào qua hoạt động đánh giá rủi ro vùng nguyên liệu để có được gỗ FSC-CW từ nguồn gỗ hợp pháp trong nước hay ngoài nước.
Nguồn gỗ có kiểm soát FSC (FSC-CW) là nguồn gỗ không rơi vào các hạng mục rủi ro theo kiểm soát của FSC như sau:
– Gỗ khai thác bất hợp pháp (luật quốc gia).
– Gỗ khai thác từ khu vực rừng có quyền nhân sự hoặc truyền thống bị vi phạm.
– Gỗ khai thác từ khu vực rừng có giá trị bảo tồn cao đang bị đe dọa.
– Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên chuyển đổi mục đích thành rừng trồng hay sử dụng khác ngoài rừng.
– Gỗ khai thác từ rừng cây biến đổi gene.
Hệ thống luật pháp Việt Nam hiện nay liên quan đến các luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Môi trường, Xã hội và Kinh tế là tương thích và phù hợp cho việc áp dụng tiêu chuẩn này để có được nguồn gỗ có kiểm soát FSC. Gỗ FSC-CW là nguồn gỗ phù hợp với yêu cầu của qui chế EU No. 995/2010 có hiệu lực từ 03/2013 cho các loại hàng gỗ khi nhập vào thị trường châu Âu. Tại châu Á, thị trường Nhật Bản cũng đã bắt đầu yêu cầu áp dụng nguồn gỗ FSC-CW cho các nhà sản xuất nguyên liệu giấy ở Việt Nam khi nhập vào thị trường mình từ 07/2016.
Việt Nam có tổng diện tích rừng là 14.061.856 ha, trong đó diện tích rừng trồng là 3.886.337 ha sẽ là nguồn cung gỗ FSC-CW rất lớn cho các doanh nghiệp/công ty sử dụng nguyên liệu trong nước cho hàng hóa xuất khẩu trong khi gỗ có chứng nhận FSC của Việt Nam còn quá ít để phục vụ cho nhu cầu này. (trích nguồn www.kiemlam.org, tháng 10/2016)
Với tiêu chuẩn FSC-STD 40-005 Ver. 3.0 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, cùng với Đánh giá rủi ro quốc gia tập trung (Centralized National Risk Assessment, CNRA) của FSC cho nguồn gỗ có kiểm soát ở Việt Nam sẽ dự kiến ban hành tiêu chuẩn FSC-CNRA-VN Ver. 1-0 trong năm 2017 cho Việt Nam về gỗ có kiểm soát FSC, điều này sẽ mở ra một nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại sử dụng nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Chuyên gia LƯƠNG CHÍ HÙNG
(Được in trên tạp chí Gỗ & Nội thất số 53 tháng 11/2016)