Nhận thức của các doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn FSC

Trong thời gian từ 1999 đến nay, việc thực hiện hệ thống quản lý CoC theo các tiêu chuẩn FSC trong các doanh nghiệp đạt chứng nhận đã có một khoảng thời gian khá dài để áp dụng và vận dụng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức áp dụng theo các yêu cầu của tiêu chuẩn, chưa thực hiện tốt được việc vận dụng tiêu chuẩn cho hoạt động quản lý của mình.
Trong thời gian đầu từ 1999 đến 2002, hầu như chỉ có vài doanh nghiệp đủ lớn có điều kiện về mặt quản lý thường là các doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh và các đối tác chính của họ ở Việt Nam liên quan chủ yếu đến kinh doanh nguyên liệu là áp dụng tiêu chuẩn này, mặc dù áp dụng nhưng thực tế tiếp cận thực hiện thì chưa đúng vì lúc đó tiêu chuẩn FSC vẫn còn ở dạng bản nháp, phần nhiều doanh nghiệp chỉ hiểu sơ bộ về vấn đề liên quan đến quản lý rừng nhiều hơn là thực hiện kiểm soát trong họat động chế biến sản phẩm ở doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có chứng nhận từ năm 2000 nhưng đến 2002 vẫn chưa xuất đơn hàng FSC nào.
Giai đọan từ năm 2002 đến 2004 việc nhận thức về chứng nhận CoC tăng lên do nhu cầu của thị trường và khách hàng nước ngoài đã áp lực cho các doanh nghiệp trong nước tìm đến với tiêu chuẩn FSC, các doanh nghiệp này tuy có áp dụng hệ thống CoC theo yêu cầu của các tiêu chuẩn FSC nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ duy trì chứng nhận cho hoạt động kinh doanh. Cho tới cuối năm 2004, ngày 01/10/2004 các tiêu chuẩn FSC cho việc chứng nhận hệ thống CoC chính thức ban hành.
Từ năm 2004 cho đến nay, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ của Viêt Nam tăng  trưởng mạnh trở thành ngành hàng xuất khẩu chiến lược, khách hàng quốc tế quan tâm đến chất lượng, kiểu dáng sản phẩm và các nhà cung cấp từ Việt Nam, cùng với sự ban hành chính thức các tiêu chuẩn FSC, các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đã đến với chứng nhận CoC nhiều hơn. Trong giai đoạn này các doanh nghiệp đã nhận thức được nhiều hơn về tiêu chuẩn FSC không chỉ phục vụ cho hoạt động kinh doanh mà còn giúp cho việc quản lý và kiểm soát việc sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ trong sản xuất của doanh nghiệp.
Trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn FSC của doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp ở khác khu vực địa lý khác nhau trong nước cũng có các cách nhận thức và áp dụng khá chênh lệch so với yêu cầu của tiêu chuẩn, việc này xuất phát từ các lý do sau:
–    Việc hiểu nội dung của các yêu cầu tiêu chuẩn chưa chuẩn xác.
–    Việc nhận thức về quản lý nguyên liệu trong các quá trình sản xuất kinh doanh giữa các khu vực khác nhau.
–    Điều kiện quản lý của các doanh nghiệp như: nhân lực, cơ sở hạ tầng, môi trường làm việc, cơ chế vận hành doanh nghiệp, cập nhật thông tin chưa kịp thời…
–    Điều kiện quan hệ xã hội, pháp lý tại từng khu vực.
–    Qui mô hoạt động của các doanh nghiệp.
–    Nhu cầu của ban quản lý doanh nghiệp trong việc vận dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia và tư vấn, phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn FSC như sau:
–    Thiếu tính liên tục áp dụng trong quá trình họat động sản xuất kinh doanh của mình.
–    Thiếu các hồ sơ và chứng từ để minh chứng hệ thống CoC đang được vận hành tốt.
–    Việc đào tạo tiêu chuẩn cho các cán bộ và nhân viên trong việc áp dụng chưa thường xuyên và hiệu quả.
–    Các phân bổ trách nhiệm trong vận hành hệ thống chưa rỏ ràng do sự biến động nhân sự của doanh nghiệp,
–    Các tài liệu được sọan thảo để vận hành hệ thống CoC chưa phù hợp với điều kiện và năng lực của từng doanh nghiệp vẫn còn mang tính sao chép quá nhiều.
–    Chưa làm quen được với hoạt động quản lý theo các tiêu chuẩn mang tính quốc tế chuyên nghiệp theo điều kiện doanh nghiệp.
Để thực hiện các tiêu chuẩn FSC một cách hiệu quả vừa đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn vừa vận dụng được các yêu cầu này trong họat động quản lý của từng loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chú ý đến các hoạt động sau:
–    Các nhà quản lý trong doanh nghiệp cần phải xác định và xem việc áp dụng các tiêu chuẩn FSC không chỉ ở vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp mà còn là sự quản lý hiệu quả trong hoạt động nội tại của doanh nghiệp và quan trọng hơn nữa là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các vấn đề về môi trường theo xu hướng hiện tại của quốc gia, khu vực và thế giới.
–    Công tác nghiên cứu, cập nhật các thay đổi của tiêu chuẩn FSC cần kịp thời. Bởi vì, khác với các tiêu chuẩn khác, tiêu chuẩn FSC là một tiêu chuẩn mới, còn có nhiều sự thay đổi về nội dung của các yêu cầu trong thời gian sắp tới theo các vấn đề của môi trường khu vực và thế giới.
–    Công tác đào tạo cho các cấp quản lý và vận hành hệ thống CoC của doanh nghiệp cần phải được xem trọng. Sau khi hiểu rõ việc áp dụng rồi các doanh nghiệp mới có thể vận dụng theo điều kiện thực tế của mình để đạt hiệu quả cao trong quản lý.
–    Hệ thống thông tin trong doanh nghiệp cần được thiết lập và kiểm soát hiệu quả các vấn đề về quản lý nguyên liệu gỗ trong doanh nghiệp, cần kiểm soát các thông tin liên quan đến khu vực khai thác nguyên liệu gỗ cũng như tình hình về quản lý rừng của các quốc gia xuất khẩu cung cấp nguyên liệu gỗ, các thông tin của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ. Ngoài ra, các thông tin của luật pháp quốc gia, của các tổ chức quốc tế liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường cũng cần phải được cập nhật và áp dụng trong quản lý doanh nghiệp.
–    Trong quá trình áp dụng các tiêu chuẩn FSC trong quản lý doanh nghiệp phải có sự cải tiến, các họat động cần xem xét giữa yêu cầu của tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng của doanh nghiệp để mạnh  dạn thay đổi các qui trình, cách thức áp dụng như trước  đây, không nên có  sự sao chép  hệ thống giữa các doanh nghiệp.
–    Cần kết hợp giữa việc áp dụng thực hiện các tiêu chuẩn FSC với các tiêu chuẩn quản lý khác như ISO 9000; ISO 14000; SA 8000…, để tạo thành một hệ thống quản lý chung hiệu quả theo nhu cầu doanh nghiệp và yêu cầu của luật pháp.

Để lại đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC