MỘT GÓC NHÌN HỆ THỐNG QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP
Thời gian gần ba năm qua nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, đối thoại của các đơn vị, tổ chức quản lý kinh tế từ nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp đất nước để tập trung tìm các phương pháp và hành động cần thiết dần tháo gỡ tình trạng khó khăn chung của doanh nghiệp. Sự nỗ lực của chính phủ, nhà nước với vai trò quản lý vĩ mô đã can thiệp và điều chỉnh nền kinh tế bằng các chính sách tài chính tiền tệ, biện pháp kích thích tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hoạt động từ nguồn vốn, điều chỉnh lãi suất ngân hàng, giảm và giãn thuế, bình ổn giá một số hàng hóa, ưu đãi kích cầu đầu tư và tiêu dùng…, những việc làm này tạo ra một số chuyển biến tích cực cho doanh nghiệp và có những dấu hiệu tốt hơn trong tình hình kinh tế đang chạm đáy nhưng vẫn còn cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa để tạo nên sự thay đổi rộng lớn. Điều quan trọng nhất là chính bản thân doanh nghiệp phải có sự thay đổi nhận thức trong quản lý và tự vận động kéo mình ra khỏi vùng đáy để bình ổn và phát triển lại.

Trong những lần trao đổi về nâng cao vai trò hệ thống quản lý trong hoạt động điều hành doanh nghiệp thông thường doanh nghiệp có những băn khoăn nhất định khi việc doanh nghiệp không còn sợ bệnh nữa mà là sợ đói chết. Chúng ta hình dung bệnh ở đây là muốn nói đến vấn đề định hướng và hệ thống quản lý để điều hành doanh nghiệp, còn đói chính là chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khủng hoảng nói chung dẫn đến mọi nhu cầu suy giảm không có đơn hàng làm suy yếu và tê liệt hoạt động của doanh nghiệp. Tình trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay là rất khó khăn, nhưng nền kinh tế với tính đa ngành, nghề và vận động theo qui luật của nó nên có những ngành, nghề chịu sự ảnh hưởng nhiều hay ít là khác nhau, có doanh nghiệp khó khăn nhiều, doanh nghiệp khó khăn ít hơn, cùng với quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp đã chứng kiến, trải nghiệm và tích lũy các vấn đề về tồn tại và phát triển để có thể tự điều chỉnh cho phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại, việc này là một nhu cầu cấp bách nhưng đòi hỏi phải hợp lý và cần có thời gian vì tốn nhiều công sức, nguồn lực của doanh nghiệp tùy theo qui mô, tính phức tạp cũng như tình trạng hiện tại của doanh nghiệp và cần có một hệ thống quản lý tốt.
Theo các chuyên gia quản lý hệ thống nhận xét, nếu không đề cập đến yếu tố suy thoái kinh tế vĩ mô thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước khó khăn và phá sản hiện nay (Trong 06 tháng đầu năm 2013 có 28,755 doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động và trong đó 4,499 doanh nghiệp chính thức giải thể, số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch đầu tư, xem VnEconomy ngày 16/08/2013) phần lớn chưa chú trọng đầu tư và kiểm soát hiệu quả vào hệ thống quản lý của mình, thiếu nguồn nhân lực cao cấp mà công tác đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp chưa được tốt nên không thể chủ động và kiểm soát nguồn nhân lực dẫn đến nhiều hạn chế và lãng phí trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác kế hoạch tài chính của doanh nghiệp còn yếu kém, sử dụng nguồn vốn lưu động chưa hiệu quả, vay nhiều, đầu tư dàn trải và mất kiểm soát tài chính; các công tác dự báo của doanh nghiệp cũng rất hạn chế nên thiếu linh hoạt và bị động trong việc xử lý tình huống với các thay đổi đã hay sắp diễn ra. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ít quan tâm và tìm sự trợ giúp của các tổ chức khoa học, kỹ thuật chuyên ngành; các công tác đánh giá kiểm soát và điều chỉnh, cải tiến hoạt động doanh nghiệp chưa áp dụng triệt để và kịp thời.
Trong thực tế chung là khó khăn, nhưng trong một ngành, nghề nào đó thì có doanh nghiệp thua lỗ, giải thể thì cũng có doanh nghiệp ăn nên làm ra và phát triển được nhờ vào việc có hệ thống quản lý tốt. Một quản lý doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng xuất khẩu hoạt động ở tỉnh Bình Dương cho biết là trong ba năm qua nhiều đơn vị cùng ngành thua lỗ và phá sản nhưng đơn vị anh với khoảng 1,300 (một ngàn ba trăm) nhân viên vẫn có nhiều đơn hàng và phát triển được, doanh số bán hàng năm nay 2013 dự kiến đạt 40 (bốn mươi) triêu đô la Mỹ (USD), mục tiêu và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp rất rõ ràng là chỉ tập trung trong ngành đang kinh doanh, không đầu tư dàn trải nên chủ động về vốn, khả năng thanh khoản cao, doanh nghiệp rất trọng chữ tín với khách hàng về chất lượng và tiến độ nên khách hàng tin tưởng giữ được mối quan hệ lâu dài, đội ngũ nhân viên gián tiếp và quản lý trung gian trẻ trên 90% thuộc thế hệ sau năm 1980, những người quản lý cấp cao còn lại như anh thuộc lứa tuổi 40-50 chỉ đếm trên đầu ngón tay, điều quan trọng là doanh nghiệp luôn chú trọng đầu tư cho hệ thống quản lý chất lượng, đào tạo cho nguồn nhân lực nhiều và phải qua thanh lọc để giữ lại những người có năng lực, đồng lòng, đồng cảm trong hoạt động phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng rất chú trọng đến ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động cải tiến, cắt giảm chi phí không hợp lý.

Trong quá trình xây dựng hệ thống quản lý cho doanh nghiệp, người chủ, người quản lý cần có những bước đi kiên định, đúng đắn và vững chắn từ định hướng, mục tiêu cho tới kế hoạch, triển khai hoạt động và giám sát, cải tiến. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp khi xây dựng hệ thống quản lý mà đốt cháy giai đoạn, bỏ qua nhưng yếu tố cơ bản, chạy theo thành tích hay nhu cầu đơn hàng, xu hướng dự thầu thì bản chất không còn ý nghĩa cho quản lý điều hành doanh nghiệp, khi đó cái gọi là hệ thống quản lý doanh nghiệp sẽ mơ hồ và tạo lại áp lực cho chính doanh nghiệp. Nhìn vào nhóm doanh nghiệp còn hoạt động mạnh hiện nay hay các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, ta nhận thấy họ chú trọng nhiều đến hệ thống quản lý ngay từ lúc thành lập, họ xây dựng hệ thống quản lý của mình tuân thủ theo luật pháp và theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, OHSAS 18001, SA 8000,.. và đến các tiêu chuẩn cần thiết khác cho loại hình sản phẩm, dịch vụ của họ theo nhu cầu của khách hàng và thị trường, tạo thành nền tảng vững chắc trong công tác điều hành quản lý. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đối với vấn đề này chưa thật sự quan tâm, người chủ và các nhà quản lý còn nhiều hạn chế trong việc đầu tư tiền bạc và công sức xây dựng hệ thống quản lý cần thiết để điều hành doanh nghiệp nhưng lại hào phóng hay chấp nhận trong việc chi tiền để xử lý những sai lỗi, khiếm khuyết trong hoạt động điều hành mang tính chất tình huống tạm thời và ngày càng làm doanh nghiệp suy yếu đi.
Mọi người chúng ta đều mong muốn nền kinh tế nước nhà hồi phục và đi lên, doanh nghiệp dần được ổn định vượt qua khó khăn và phát triển. Từ một góc nhìn hệ thống quản lý doanh nghiệp, chúng ta mong muốn có được sự giải đáp cho hoạt động của mỗi doanh nghiệp ngay từ hôm nay và thời gian sắp tới, ít nhiều gì trong quan điểm của mỗi người có thể tìm thấy mối quan hệ giữa hệ thống quản lý và kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Tập trung vào những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp như đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, xây dựng và luôn đào tạo nguồn nhân lực có năng lực và tinh thần kỷ luật, tuân thủ thực hiện các qui trình, qui định, ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật, kiểm soát các vấn đề môi trường và lợi ích xã hội.trong hoạt động doanh nghiệp, luôn gìn giữ và phát triển lòng tin của khách hàng, cần giải quyết những vấn đề chính yếu và quan trọng trước nhưng đồng thời không bỏ qua những điều nhỏ để đảm bảo tính đầy đủ của hệ thống quản lý. Doanh nghiệp có hệ thống quản lý tốt, nguồn lực dồi dào thì đủ sức khỏe để chịu đựng các tác động bên trong cũng như bên ngoài trong mọi tình huống, thời điểm để rồi từ đó vững mạnh và phát triển hơn.
Chuyên gia Lương Chí Hùng
(Được in trên tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng – Số 17 + 18 tháng 9/2013)