Chống phá giá và ứng dụng FSC trong chống phá giá

61 / 100

Các điều cơ bản trong Chống phá giá

Vừa qua, ngày 25/10/2007, VCCI Thành phố Hồ Chí Minh, Văn Phòng Hiệp Hội Gỗ & Lâm sản Thành phố Hồ Chí Minh và công ty TNHH Tư Vấn Quản Lý Lương có tổ chức hội nghị tại hội trường VCCI Thành phố Hồ Chí Minh về chuyên đề “Chống Bán Phá Giá và ứng dụng tiêu chuẩn FSC trong Chống Bán Phá Giá” với sự tham dự của 36 doanh nghiệp ngành Gỗ có hàng hóa xuất khẩu (đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ). Thông qua hội nghị này ban tổ chức đã cug cấp các thông tin cơ bản liên quan đến bán phá giá, kiện chống bán phá giá, kinh nghiệm về kiện chống bán phá giá và các giải pháp ứng dụng trong kiện chống bán phá giá cho các doanh nghiệp tham dự. Để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp ở xa không có điều kiện tham gia trong buổi hội nghị, chúng tôi tóm lược lại nội dung cho các bạn tham khảo và có những chuẩn bị khi cần thiết.  

2

 

Xuất phát từ việc bảo hộ của một ngành công nghiệp nội địa của một quốc gia đã hình thành một trong những rào cản lớn nhất đối với thương mại tự do đó là chống bán phá giá.

Khi một quốc gia nhập khẩu có kết luận là hàng hóa nhập vào từ một quốc gia xuất khẩu nào đó được bán trên thị trường của mình gây nên một thiệt hại nhất định đối với các doanh nghiệp nội địa hay đe dọa gây ra thiệt hại vật chất cho một nền công nghiệp nội địa hoặc làm chậm trễ sự thành lập một ngành công nghiệp nội địa của quốc gia mình thì quốc gia đó có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, điều này phù hợp với Hiệp định về chống bán phá giá (Anti-dumping Measures) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Có 03 lại bán phá giá:

–    Phân biệt giá quốc tế / Kỳ thị giá quốc tế (International price discrimination): là khi một doanh nghiệp bán một sản phẩm hàng hóa với các mức giá khác nhau ở các thị trường khác nhau (hay khách hàng khác nhau),  trong thương mại quốc tế điều này có thể dưới dạng bán một loại sản phẩm hay các sản phẩm tương tự với giá khác nhau trên thị trường nội địa và xuất khẩu (thông thường là giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu). Điều này xảy ra khi doanh nghiệp đó có vị thế gần như độc quyền đủ để chi phối giá ở thị trường nội  địa và được bảo vệ bởi hàng rào mậu dịch của quốc gia mình để khỏi bị cạnh tranh quốc tế trên thị trường nội địa.

–    Phá giá mang tính triệt hạ / Bán dưới giá thành (Predatory dumping): là khi một doanh nghiệp bán một sản phẩm hàng hóa của mình với mức giá thấp hơn giá thành sản xuất hợp lý (chi phí sản xuất trung bình, chi phí gián tiếp và lợi nhuận hợp lý) để loại trừ đối thủ cạnh tranh của mình nhằm thôn  tính thị trường. Đây là loại phá giá nếu xảy ra cần phải ngăn chặn. Ngoài ra, việc bán dưới giá thành còn có thể là do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường về vấn đề sống còn của doanh nghiệp, thị  trường về cầu bị suy thoái cần phải bán giảm giá, hay  chính  sách giá mục tiêu của doanh nghiệp về một sản phẩm mới, các trường hợp này không nên xem là bán  phá giá.

–    Phá giá mang tính chu kỳ / Phá giá theo từng đợt (Intermittent dumping): loại hình này là việc bán sản phẩm hàng hóa với  giá rất thấp thay vì để hàng bị hủy hoại (ví dụ: hàng nông sản), việc này xảy ra liên tục theo từng khoảng thời gian có thể ảnh hưởng thiệt hại đến nhà sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, với loại hình này thường được giải quyết bằng chương trình bình ổn giá.

Thông thường, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá chỉ tập  trung vào hai loại đầu là Phân biệt giá quốc tế và Bán dưới giá thành.

Các biện pháp chống bán phá giá đã xảy ra tăng vọt từ sau năm 1990 đến nay, các quốc gia dẫn đầu về các vụ khởi kiện chống phá giá trên thế giới như: Mỹ, Ấn Độ, Cộng đồng Châu Âu,… Hầu hết, trong các vụ kiện kiện về chống phá giá, tỷ lệ thắng kiện của quốc gia khởi kiện là trên 60% vì họ nắm vai trò chủ động và có các chuẩn bị, bên cạnh đó họ có nhiều đòi hỏi bên bị kiện phải chứng minh nhiều thứ mà để làm điều đó phải có  thời gian, chịu nhiều vất vả và tốn kém. Trong thực tế khi xảy ra các biện pháp chống phá giá, mức độ lợi hay hại mang lại cho các bên (gồm nguyên đơn, bị đơn và các bên khác) là rất khó xác định, thông thường là các bên cùng chịu thiệt hại nhiều hơn lợi ích đạt được và các thiệt hại này phần lớn người tiêu dùng sản phẩm phải gánh chịu.

Điều kiện để kết luận có bán phá giá xảy ra không khi hội đủ các điều kiện sau:

–    Hàng hóa đưa vào thị trường của quốc gia nhập khẩu tiêu thụ với giá thấp hơn giá trị thông thường của nó (bán dưới giá thành).

–    Việc bán phá giá làm cho ngành sản xuất nội địa của quốc gia nhập khẩu bị thiệt hại về mặt vật chất, hay làm chậm sự hình thành của một ngành công nghiệp nội địa của quốc gia nhập khẩu.

–    Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động bán phá giá với những thiệt hại vật chất đó.

Tiến trình để có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá của quốc gia nhập khẩu:

  1. Điều tra:thông thường việc điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng, thiệt hại của ngành sản xuất nội địa, các hồ sơ này phải có những bằng chứng cụ thể về 03 điều kiện đã nêu trên, bên nộp đơn phải đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất nội địa bị thiệt hại, cụ thể là phải được sự ủng hộ của các nhà sản xuất nội địa chiếm trên 50% tổng sản lượng tương tự và các nhà sản xuất nội địa tán thành điều tra chiếm trên 25% tổng sản lượng, điều này nhằm đảm bảo tư cách đại diện cho số đông của bên khiếu nại. Ngoài ra, việc điều tra cũng có thể do các cơ quan chức năng của quốc gia nhập khẩu tự tiến hành không cần có hồ sơ yêu cầu khi thấy có đủ bằng chứng về việc gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa. Thời gian điều tra, theo qui định của Hiệp định chống bán phá giá của WTO là không quá một năm (12 tháng) cơ quan điều tra phải có kết luận cuối cùng là có bán phá giá không, trong một số trường hợp đặc biệt thời gian này được mở rộng nhưng không vượt quá 18 tháng, các qui định này nhằm hạn chế việc gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu loại hàng hóa đang bị điều tra hay cản trở việc nhập khẩu hàng hóa đó.
  2. Xác định bán phá giá: các cơ quan điều tra phải xác định 02 điều:

–    Điều thứ nhất là hàng hóa nhập vào có bán với mức giá thấp hơn giá thành sản xuất hợp lý hay không, tức là có sự chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá nội địa của của hàng hóa nhập đó, tuy nhiên nếu chênh lệch này nhỏ hơn 2% giá nhập khẩu hay lượng nhập khẩu của sản phẩm hàng hóa này ít hơn 3% so với tổng lượng nhập khẩu của hàng hóa tương tự thì phải kết thúc điều tra vì không đủ gây ảnh hưởng cho ngành sản xuất nội địa. Việc tính giá thành sản xuất hợp lý là rất phức tạp, quốc gia nhập khẩu có thể sử dụng nhiều phương thức để thực hiện điều này, theo các chuyên gia nhận định việc tính toán này thường thiếu tính khách quan, không chính xác và mang tính áp đặt. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì cơ quan điều tra của nước nhập khẩu kết luận là có bán phá giá ( Vd: trên 95% các cuộc điều tra bán phá giá, Bô thương mại Mỹ (DOC – Department of Commerce) có kết luận là bán dưới giá thành hợp lý). 

–    Điều thứ hai là hàng nhập khẩu bán phá giá có gây thiệt hại vật chất hay đe dọa gây thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất nội địa (chứ không phải là cho một vài nhà sản xuất nội địa). Để xác định điều này phải có các bằng chứng khách quan về lượng sản phẩm nhập vào được bán phá giá, ảnh hưởng đến giá của thị trường nội địa của sản phẩm tương tự và thiệt hại đối với nhà sản xuất sản phẩm trong nước. Cơ quan điều tra xem xét trên các số liệu: sự gia tăng lượng hàng nhập khẩu được bán phá giá, sự giảm giá của sản phẩm tương tự sản xuất nội địa… Ngoài ra, cơ quan điều tra còn có thể xác định thiệt hại gộp trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu được bán phá giá nhập từ nhiều ngưồn khác nhau (các quốc gia) nhưng phải đảm bảo điều kiện thứ nhất (vượt các mức tối thiểu về biên độ phá giá và lượng nhập khẩu đối với mỗi quốc gia). Việc kết luận điều thứ hai này do ITC – International Trade Comission thực hiện.download 1

Đối với các nước phương Tây, khi điều tra bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu từ nền kinh tế phi thị trường (các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa, có hệ thống quản lý kinh tế tập trung), khi xác định giá thành sản xuất hợp lý của sản phẩm cơ quan điều tra của họ thường chọn theo cách tính ở một quốc gia thứ 3 (là quốc gia được xem có nền kinh tế thị trường, có trình độ phát triển tương đương). Điều này làm mất đi tính công bằng và hợp lý trong cách tính giá thành sản xuất hợp lý của sản phẩm hàng hóa đang bị điều tra bán phá giá (thường là bất lợi cho cho nhà xuất khẩu). Để tránh trường hợp này, nước xuất khẩu phải là thành viên của WTO để không bị phân loại và phân biệt đối xử bởi các lý do kinh tế – chính trị (tuy nhiên, còn phụ thuộc vào cam kết của quốc gia đó khi gia nhập WTO, Ví dụ: Trung Quốc vẫn chấp nhận bị xem là nền kinh tế phi thị trường trong vòng 15 năm sau khi gia nhập WTO).

  1. Cam kết về giá: là cam kết của nhà xuất khẩu đối với cơ quan điều tra về sự thay đổi chính sách giá hoặc ngưng các hoạt động bán phá giá vào khu vực đang điều tra, cam kết này phải đảm bảo việc bán phá giá gây ra được loại bỏ để cơ quan điều tra có thể chấp nhận và đình chỉ hay chấm dứt các biện pháp tạm thời hay biện pháp áp thuế chống phá giá đối với loại sản phẩm hàng hóa đang bị điều tra. Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu có thể gợi ý cho nhà xuất khẩu đưa ra các cam kết về giá nhưng không bắt buộc. Khi cam kết về giá được chấp thuận, việc điều tra bán  phá giá vẫn có thể được tiến hành, nếu kết luận của cơ quan điều tra là không có bán phá giá thì các cam kết về giá sẽ tự động kết thúc, nếu kết luận là có bán phá giá thì các cam kết về giá sẽ được duy trì cho đến khi cơ quan chức năng của nước nhập khẩu xem xét, điều chỉnh theo kết luận của cơ quan điều tra.
  2. Thuế chống bán phá giá: khi kết luận của cơ quan điều tra là có bán phá giá, nước nhập khẩu sẽ áp đặt các biện pháp cần thiết để chống lại sự ảnh hưởng của việc bán phá giá, theo Hiệp định Chống bán phá giá của GATT/WTO, các quốc gia được phép áp dụng thuế chống bán phá giá như biện pháp thương mại đặc biệt, thời hạn áp đặt thuế chống phá giá không được kéo dài quá 05 năm (năm năm) kể từ ngày áp dụng (xem điều khoản “hoàng hôn” của Hiệp định Chống bán phá giá). Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt nếu ngưng áp dụng thuế chống bán phá giá sẽ tiếp tục hay tái phát sinh việc bán phá giá và gây thiệt hại. Với thời gian 05 năm đủ để cho quốc gia nhập khẩu thực hiện việc rà soát ảnh hưởng của biện pháp chống phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu và ngưng áp thuế chống phá giá khi cần thiết.
    Theo nhận định của các nhà kinh tế, các chuyên gia tài chính, việc bảo hộ bằng biện pháp chống phá giá gây nhiều thiệt hại cho cả đôi bên, nhà nhập khẩu lẫn xuất khẩu (mà thực tế là như vậy) và nhất là đối với người tiêu dùng phải gánh chịu thêm khoản thuế này, lợi ích nếu có chỉ tập trung vào một nhóm thiểu số mà thông thường có ảnh hưởng tới chính trị.
    (Xin quí vị xem tiếp  phần 2 trong bài báo kỳ sau)

 

      Để viết bài trên, tôi có sử dụng tư liệu các tài liệu sau, xin chân thành cám ơn các tác giả:

  1. Luật Thưong Mại Quốc Tế, Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh, tháng 12/2006
    Tác giả: PGS-TS Mai Hồ Quỳ; ThS Trần Việt Dũng
  2. Một Góc Nhìn Kinh Tế Toàn Cầu, Nhà xuất bản Trẻ, tháng 04/2005
    Tác giả: Phạm Vũ Lửa Hạ
  3. Rào Cản Trong Thương Mại Quốc Tế, Nhà xuất bản Thống Kê, năm 2005
    Tác giả: PGS-TS Đinh Văn Thành
  4. WTO Thường Thức, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa, quí 4 năm 2006
    Tác giả: PGS-TS Bùi Tất Thắng
  5. Việt Nam–Hoa Kỳ Quan Hệ Thương Mại & Đầu Tư, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, tháng 02/2004
    Tác giả: Nguyễn Thiết Sơn
  6. ITC Business and The Multilateral System, Business Guide to Trade Remedies in the United States, (Geneva 2006), (Patricia Francis – ITC Executive Director)
  7. ITC Business and The Multilateral System, Business Guide to Trade Remedies in the European Community, (Geneva 2005), (J.Denis Bélisle. – ITC Executive Director)

 

Để lại đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC